Thang máy Việt chờ lên

Tin tức

Thang máy Việt chờ lên

  • 04/12/2024
  • 145

Giá trị của ngành thang máy tại Việt Nam đạt khoảng 7.600 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Với chiến lược tập trung vào các dự án xây dựng trung bình, sức mua vừa phải một số doanh nghiệp sản xuất thang máy nội địa đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Không những vậy, ngành sản xuất thang máy ở Việt Nam hiện đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về năng lực sản xuất.

Theo số liệu 6 tháng đầu năm của Bộ Xây dựng, ngành xây dựng hiện đã cán mốc hơn 76.000 tỉ đồng. Chí phí lắp đặt thang máy là hạng mục chiếm khoảng 10% số đó. Theo ông Trần Thọ Huy, Tổng Giám đốc Công ty Thiên Nam, trong đó, nhu cầu xây dựng thang máy ở phân khúc cấp thấp, từ 25 tầng trở xuống chiếm đến 80%.

Đây được xem là sân chơi của các doanh nghiệp Việt Nam khi chiếm hơn một nửa thị phần. Trong đó, hai cái tên là Thiên Nam và Thái Bình chiếm hơn 30% thị phần. Ông Huy cho biết hiện doanh nghiệp ông đang chiếm khoảng 20% thị phần. Theo tìm hiểu của NCĐT, ngoài Thái Bình và Thiên Nam, còn có hơn 50 doanh nghiệp kinh doanh thang máy trong nước, đa phần là không có nhà máy sản xuất mà thuê một doanh nghiệp nội gia công là HISA. Do đó, nếu tính về năng lực sản xuất, HISA là doanh nghiệp có quy mô dẫn đầu thị trường, lên đến 2.000 thang/năm. Con số này vượt xa cả Thái Bình và Thiên Nam cộng lại. Tuy nhiên, do là doanh nghiệp gia công nên thị phần thang máy mang thương hiệu HISA chiếm rất ít trên thị trường.

Vận may của thang máy nội

Trên thực tế, ngành công nghiệp thang máy đã có mặt ở Việt Nam từ trước năm 1975, dẫn đầu bởi ông Phạm Vinh, một người có thâm niên trong ngành cơ khí đóng tàu. Tuy nhiên, sau khi doanh nhân này ra nước ngoài sinh sống, ngành thang máy trong nước hoàn toàn bế tắc cho đến những năm 1990.

Trong thời gian này, phần lớn các thang máy sử dụng được sửa chữa, cải tạo lại từ thang máy cũ vì phụ tùng rất khan hiếm. Tỉ suất sinh lời của ngành sản xuất thang máy rất thấp, chỉ khoảng 10%. Các hãng thang máy lớn trên thế giới như Otis, Schindler, KONE, Thyssenkrupp, Mitsubishi… lên chiến lược bán thang máy với giá vừa phải nhưng phải phụ thuộc vào phụ tùng, trang thiết bị và dịch vụ bảo hành của họ, góp tới 50% lợi nhuận trong mô hình kinh doanh này.

Chiến lược này đã nhanh chóng bóp chết nhiều doanh nghiệp ở khu vực châu Á yếu hơn về thương hiệu, có thể kể đến DongYang (Hàn Quốc) hay Thai Lift (Thái Lan), đặc biệt Thai Lift trong những năm 1990 là một trong các doanh nghiệp khá lớn ở Đông Nam Á, với năng suất lên đến 500 thang/năm. Doanh nghiệp này cũng từng chào sản phẩm ở Việt Nam vào năm 1994. Thất thế, các doanh nghiệp Hàn Quốc, Thái Lan buộc phải bán mình cho các thương hiệu lớn. Còn đối với Thái Lan, việc Thai Lift rời cuộc chơi cũng đánh dấu chấm hết cho ngành công nghiệp thang máy của nước này. “Nếu ra đời sớm như các doanh nghiệp Thái Lan. Có thể các doanh nghiệp Việt Nam cũng không thoát khỏi việc bị mua lại”, ông Huy nói.

Năm 1994, thang máy Thiên Nam ra đời, một năm sau đó là Thái Bình. Ý thức được vị trí của mình, cả hai chỉ đóng vai trò là nhà phân phối, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm quản trị và công nghệ sản xuất thang máy. Tuy nhiên, cả Thiên Nam và Thái Bình đều nhận ra cơ hội của mình, khi thị trường phụ tùng không bị thao túng, giá thang máy, phụ tùng, chi phí bảo trì sẽ rẻ hơn và cả một thị trường cấp thấp rộng lớn đang chờ họ.

Lưu bản nháp tự động

Ảnh minh họa

Cơ hội đến với ngành sản xuất thang máy Việt Nam vào những năm 2000, khi thị trường xây dựng Trung Quốc bước vào giai đoạn bùng nổ, nhu cầu quá cao khiến mô hình độc quyền được thiết lập trước đó bị đe dọa. Chỉ sau một thời gian ngắn, các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc bắt đầu sản xuất hàng loạt phụ tùng cho thang máy với chất lượng được kiểm chứng sau một thời gian dài làm gia công. Thế độc quyền phụ tùng của các ông lớn chính thức bị phá vỡ.

Cơ hội củng cố thị phần

Năm 2015, Thiên Nam đạt doanh thu 400 tỉ đồng, bao gồm cả bán hàng và dịch vụ. Trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu Công ty đạt 200 tỉ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Công suất sản xuất khoảng 1.000 thang máy/năm, khách hàng chủ yếu là các dự án dưới 25 tầng. Doanh thu, lợi nhuận chủ yếu vẫn đến từ việc bán thang máy. Công ty đang lên kế hoạch đưa doanh thu dịch vụ bảo trì dự kiến sẽ đóng góp 50% lợi nhuận trong 3 năm tới. Song song đó, ông Huy cho biết Công ty hiện không phân phối thang máy nước ngoài, chỉ làm trong một số trường hợp cần thiết.

Không có gì bất ngờ, bởi các doanh nghiệp như Thiên Nam đều hiểu rất rõ vai trò của nhà phân phối khi các doanh nghiệp chính hãng đặt văn phòng ở Việt Nam. Bài học hơn 10 năm trong ngành vẫn còn giá trị. Các dự án nhà ở trung bình, dưới 25 tầng được xem là mục tiêu của các doanh nghiệp trong thời gian tới. Trên thực tế, các doanh nghiệp sản xuất thang máy nội vẫn có thể đáp ứng được các dự án cao tầng nhưng theo ông Huy đây là thị trường nhỏ, mật độ cạnh tranh lại rất cao nên đầu tư vào phân khúc này không an toàn.
Còn theo ông Nguyễn Phú Quốc, Trưởng bộ phận Tiếp thị của Công ty Thái Bình, doanh thu 6 tháng đầu năm của Công ty tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Quốc cho biết trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục phát triển mạnh vào phân khúc thế mạnh là tòa nhà cao tầng với tháng máy tốc độ cao (2,5 m/giây) và các công trình tiêu chuẩn 4 đến 5 sao. Bên cạnh đó, đại diện Thái Bình cho biết sẽ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Malaysia… Để đáp ứng các mục tiêu trên, ngoài việc tự sản xuất, Thái Bình còn độc quyền phân phối dòng thang máy TECNO của Ý ở thị trường Việt Nam.

Với các dự án nhà ở trung bình, nhu cầu lớn hơn được xem là cơ hội của doanh nghiệp nội để củng cố thị phần. Bởi như ở phân tích ở trên, đây là mô hình sống nhờ vào dịch vụ bảo trì, bảo hành nên càng bán được nhiều hàng, doanh nghiệp càng có lợi. Theo ông Huy, hiện Thiên Nam có mạng lưới văn phòng, chi nhánh bảo trì trên 63 tỉnh thành với đội ngũ vận hành khoảng 1.000 người. Bên cạnh đó, Công ty còn đầu tư khá bài bản cho hệ thống quản trị, bán hàng trực tuyến. Tương tự, Công ty Thái Bình cũng đang sở hữu mạng lưới bán hàng, bảo trì gồm 30 trạm và 7 văn phòng đại diện phủ 63 tỉnh thành, có thể giải quyết sự cố ngay trong ngày.

Với tỉ suất sinh lời khoảng 10%, phát triển ổn định, không tăng trưởng đột biến qua hàng năm, các doanh nghiệp như Thiên Nam hay Thái Bình có thể không quá hấp dẫn với các nhà đầu tư nhưng với mạng lưới bán hàng, bảo hành nắm trong tay, cả hai thực sự rất tiềm năng trong mắt các doanh nghiệp ngoại cùng ngành. Bởi để có được vị thế như Thiên Nam hay Thái Bình hiện nay, các doanh nghiệp ngoại phải mất không dưới 5 năm.

“Hiện chúng tôi chưa nghĩ đến việc bán mình, một phần vì quyết tâm giữ ngành sản xuất trong nước. Một phần vì ngành này thực sự tiết kiệm rất nhiều chi phí cho người dân và Nhà nước, lại không ảnh hưởng đến môi trường”, ông Huy nói.

Đông Sang (nhịp cầu đầu tư)

Nhận tư vấn miễn phí

    Họ và tên*

    Số điện thoại*

    Để lại lời nhắn*

    Trở lại đầu trang